Báo Nga: Người Mỹ vừa làm 1 việc và nó đáng để quan tâm!

Hoài Giang |

Nhận định được tờ Topcor của Nga đưa ra ít giờ trước.

Trận không chiến đầu tiên trong lịch sử giữa con người và robot

Cụ thể nội dung bài viết có tiêu đề "Một trận không chiến giữa F-16 do robot và con người điều khiển đã được tiến hành tại Mỹ" của Topcor như sau:

"Mới đây, DARPA (Cơ quan Chỉ đạo các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến) của Lầu Năm Góc đã đưa tin tiêm kích do robot điều khiển X-62A VISTA (trước đây được gọi là NF-16D) đã tiến hành không chiến với tiêm kích F-16 do một người lái.

Các thử nghiệm này diễn ra tại Căn cứ Không quân Edwards ở California vào tháng 9/2023, nhưng mãi tới gần đây mới được công khai - cũng như không nêu rõ tỉ lệ thắng-thua vì lý do an ninh quốc gia của Mỹ.

Báo Nga: Người Mỹ vừa làm 1 việc và nó đáng để quan tâm!- Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: Medium).

Cần lưu ý rằng X-62A chính là biến thể F-16D hai chỗ ngồi được hiện đại hóa sâu sắc và theo DARPA, loại AI (trí tuệ nhân tạo) điều khiển nó được cho là có thể mô phỏng các phi công trên hầu hết mọi loại máy bay.

Có thể nói đây là lần đầu tiên trong lịch sử loài người AI đã điều khiển một vũ khí để chiến đấu với con người và cũng là lần đầu tiên nó diễn ra trên bầu trời.

F-16D có khả năng được nâng cấp lên Block 50/52, biến thể hiện đại hóa của thập niên 1990 với định vị quán tính cải tiến cùng định vị GPS, có khả năng mang nhiều loại vũ khí tiên tiến như AGM-88 HARM, JDAM, JSOW và WCMD.

Block 50 sử dụng động cơ F110-GE-129 còn Block 52 dùng động cơ F100-PW-229.

Mặc dù DARPA cung cấp khá ít thông tin nhưng chúng tôi (Topcor) vẫn có thể rút ra một số kết luận nhất định.

Đầu tiên là về chiếc tiêm kích robot, X-62A là một nguyên mẫu nằm trong chương trình ACE (Không chiến tiến hóa) và nó đã tiến hành 21 chuyến bay thử nghiệm từ tháng 12/2022 đến tháng 9/2023.

Do F-16 đã được sản xuất từ cách đây hơn 40 năm và thành tích đã được chứng minh nên rất có thể số lần bay thử nghiệm thấp này là do các vấn đề về phần mềm, bao gồm cả thuật toán AI.

Trung tá Ryan Hefron, giám đốc chương trình ACE từng đưa ra bình luận như sau:

"Đã có rất nhiều mục tiêu mà chúng tôi cố gắng đạt được trong vòng thử nghiệm đầu tiên. Do đó, câu trả lời cho câu hỏi "ai thắng ai" không phản ánh tất cả. Mục đích của thử nghiệm thực sự là để chứng minh rằng chúng tôi có thể đưa AI vào môi trường không chiến".

Vị sĩ quan Mỹ nói một cách mơ hồ và nói thêm rằng có sự khác biệt giữa các trận chiến mô phỏng và thử nghiệm, chưa kể đến các trận không chiến thực sự.

Báo Nga: Người Mỹ vừa làm 1 việc và nó đáng để quan tâm!- Ảnh 2.

Hình minh họa (Nguồn: Freethink).

Xét theo việc các chuyến bay của robot đều chở thêm "hành lý" là 2 phi công, những người sẽ xử lý nhanh chóng nếu sự cố phát sinh, có vẻ như người Mỹ vẫn chưa có nhiều niềm tin vào AI.

Chương trình ACE đã tồn tại ít nhất từ giữa năm 2019 và được coi là khá hứa hẹn.

Lý do là vì người Mỹ vì đang sở hữu lượng lớn F-16 cả trong trang bị lẫn trong kho niêm cất và nếu chương trình này thành công, các cơ sở sản xuất hiện có sẽ không phải đối mặt với cảnh bị đóng cửa (do Lầu Năm Góc có xu hướng thay thế các tiêm kích cũ bằng F-35).

Nếu nói về ý tưởng này thì cần nhắc tới người Trung Quốc. Vào năm 2021 họ đã mang lại cơ hội sống thứ 2 cho những chiếc MiG-19 và J-6 đã loại biên bằng việc biến chúng thành máy bay không người lái (UAV)".

Tại sao người Nga lại quan tâm?

Có thể nói việc Topcor.ru quan tâm tới thông tin nói trên - và nhanh chóng đưa ra kết luận về việc "người Mỹ vẫn chưa có nhiều niềm tin vào AI" đặt ra khá nhiều câu hỏi.

Đầu tiên là nói về việc AI - hay nói cách khác là các hệ thống tự lái trên máy bay nói chung - không phải là thứ gì đó quá mới. Điều mới ở đây là AI được sử dụng với một mục tiêu là con người trong các cuộc không chiến.

Người Nga hiện cũng có cách tiếp cận tương tự - nhưng là với một sản phẩm mới và đó là Su-75 Checkmate. Trong triển lãm Army-2023 diễn ra gần đây, người Nga cũng đã công bố mô hình thu nhỏ của Su-75 trong một biến thể không người lái.

Báo Nga: Người Mỹ vừa làm 1 việc và nó đáng để quan tâm!- Ảnh 3.

Mô hình thu nhỏ của Su-75 trong một biến thể không người lái.

Nhưng vấn đề là đây chỉ mới là một mô hình thu nhỏ và thậm chí chính chiếc Su-75 Checkmate có người lái được họ công bố vào MAKS-2021 cũng chỉ là mô hình - nhưng có kích cỡ tương đương tiêm kích thật.

Cần lưu ý rằng vào cuối năm 2023, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Công thương Liên bang Nga Denis Manturov đã cho biết rằng "nguyên mẫu máy bay chiến đấu Su-75 Checkmate đầu tiên có thể được sản xuất vào cuối năm 2025".

Căn cứ vào quá trình thử nghiệm mất khá nhiều năm của Su-57 Felon (từ 2010 đến 2019) và UAV tấn công S-70 Okhotnik-B (từ 2014 đến dự kiến là cuối 2024) nghĩa là còn rất rất lâu nữa phiên bản UAV của Su-75 mới xuất hiện.

Vậy còn giải pháp tương tự như chương trình ACE của Mỹ hay MiG-19/J6 Trung Quốc thì sao? Nga có thể chỉ đơn giản là lôi các tiêm kích đã bị loại biên và đưa AI lên chúng được không?

Báo Nga: Người Mỹ vừa làm 1 việc và nó đáng để quan tâm!- Ảnh 4.

Bức không ảnh của Planet Labs cho thấy lượng lớn MiG-19/J-6 đã bị loại biên của Không quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAAF) đóng tại một căn cứ gần eo biển Đài Loan vào năm 2021.

Tới đây chúng ta cần quay lại một bài viết của chuyên gia Nga Sergey Marzhetsky được chính Topcor.ru đăng tải vào mùa hè năm 2023 với tiêu đề "Có đáng để biến tiêm kích đánh chặn MiG-21 của Liên Xô thành UAV tấn công hay không?".

Và đây là những gì mà vị chuyên gia Nga nhận định về ý tưởng này:

"...ở giai đoạn thứ hai của "chiến dịch quân sự đặc biệt", cuộc xung đột đã trở nên ổn định và và hệ thống phòng không nhiều lớp được xây dựng ở cả vùng Donbass và Azov.

Những chiếc Bayraktar TB2 (UAV tấn công do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất và các lực lượng Ukraine đang vận hành một số lượng chưa xác định) đã biến mất.

Dù vậy, UAV tấn công vẫn có phạm vi ứng dụng khá rộng.

Đó có thể là các phi vụ cường kích bằng tên lửa chống tăng nhằm vào tăng thiết giáp của đối phương bị mắc kẹt ở đâu đó bên ngoài khả năng bảo vệ của phòng không... cũng như việc chúng là nền tảng ném bom liệng giúp giảm nguy cơ cho những chiếc Su-34...

... tại sao không đi một con đường khác bằng cách bắt đầu biến những chiếc tiêm kích hiện có thành UAV?

Không kể tới các biến thể nước ngoài, MiG-21Bis là phiên bản cuối cùng của dòng tiêm kích hạng nhẹ nổi tiếng do Liên Xô sản xuất. Tải trọng vũ khí của nó khoảng 1,3 tấn cho phép triển khai các loại tên lửa cũng như bom nặng 500 kg.

Vào những năm 1990, Nga đã được thừa hưởng hàng chục chiếc MiG-21, và đó là chưa kể tới số lượng niêm cất (trong tổng số 10.645 chiếc đã được Liên Xô sản xuất).

Không những vậy nhiều nước bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Iran vẫn tiếp tục sản xuất MiG-21...

Báo Nga: Người Mỹ vừa làm 1 việc và nó đáng để quan tâm!- Ảnh 5.

MiG-21Bis được cho là không thua kém F-16C/D của Mỹ.

...kết luận khá rõ ràng: Một chiếc UAV có nguồn gốc từ tiêm kích sẽ luôn vượt trội hơn một chiếc UAV được sản xuất ngay từ đầu do những hạn chế về mặt kỹ thuật.

Liệu có tương lai cho Su-75 không người lái? Có lẽ là có nếu Bộ Quốc phòng Nga quyết định đặt hàng. Tuy nhiên, đây là vấn đề của tương lai vì nó vẫn chỉ là mô hình...

Có lẽ nên xem xét kỹ hơn kinh nghiệm của Trung Quốc  trong việc chuyển đổi các máy bay cũ, rẻ tiền thành UAV. Việc tiếp tục sản xuất tiêm kích siêu thanh hạng nhẹ MiG-21 thành cường kích hạng nhẹ không người lái có vẻ rất thú vị.

Ưu điểm rất lớn của loại máy bay này là độ tin cậy và sự đơn giản trong thiết kế, và do MiG-21 từng được sản xuất hàng loạt ở Liên Xô nên có thể giảm giá thành.

Không những vậy MiG-21 có tốc độ và khả năng mang tải cao có thể là lựa chọn cụ thể như phương tiện cảm tử để ném bom liệng, bắn tên lửa vào các hệ thống phòng không đối phương, dọn đường cho tên lửa hành trình tiếp cận mục tiêu quân sự có giá trị cao..."

Từ nhận định trên, có lẽ vấn đề của người Nga lúc này chỉ là biến ý tưởng hấp dẫn nói trên thành hiện thực (có thể với sự giúp sức của vài "quốc gia thân thiện") trước khi phải thực sự đối mặt với F-16 robot ở đâu đó trên chiến trường.

Và biết đâu được...

Báo Nga: Người Mỹ vừa làm 1 việc và nó đáng để quan tâm!- Ảnh 6.

Hình minh họa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại