Nghịch lý người dân đi từ TP HCM phải bay qua Bangkok rồi mới về Hà Nội cho rẻ, Thứ trưởng tiết lộ lý do khiến vé máy bay Việt Nam đắt hơn Thái Lan

Thảo Vân |

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy lý giải giá máy bay tăng là cộng hưởng của các nguyên nhân thiếu tàu bay, giá nguyên liệu tăng, chênh lệch tỷ giá kết hợp với việc người dân mua vé sát giờ. Trong khi đó, vé máy bay tại Thái Lan rẻ do Chính phủ nước này tung loạt gói kích cầu du lịch, cắt giảm tối đa giá vé máy bay.

Tại phiên họp về kinh tế, xã hội của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 13/5, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đưa ra vấn đề thảo luận về tình trạng vé máy bay tăng giá.

Ông Phương nêu thực tế: "Bây giờ người dân đi từ TP HCM ra Hà Nội phải mua vé qua Thái Lan rồi về Hà Nội. Tình trạng này diễn ra nhiều tháng rồi chứ không phải mới". Đồng thời, Phó chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu đại diện Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính trả lời dứt khoát về việc giá máy bay còn tăng không.

Trả lời chất vấn này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết, vé của Vietnam Airlines giai đoạn vừa qua trung bình 0,08-0,12 USD một km. Mức này thấp hơn một số chặng của các nước, như tại Thái Lan, đường bay Phuket là 0,1-0,29 USD/km; đường bay Thượng Hải đi Quảng Châu (Trung Quốc) là 0,27-0,3 USD/km.

Bình quân giá vé của Vietnam Airlines tăng 14-20% trên các đường bay. Ba nguyên nhân của việc vé máy bay tăng giá được ông Huy lý giải do thiếu máy bay, chênh lệch tỷ giá và người dân mua vé sát giờ.

Cụ thể, tình trạng thiếu tàu bay buộc các hãng hàng không phải thuê ướt, tức thuê cả máy bay, phi công khiến chi phí vận hành cao hơn. Việc nhà sản xuất động cơ Pratt&Whitney (PW) thu hồi động cơ PW1100 để kiểm tra và sửa chữa chuyên sâu ảnh hưởng tới 33 chiếc máy bay của các hãng trong nước.

Nghịch lý người dân đi từ TP HCM phải bay qua Bangkok rồi mới về Hà Nội cho rẻ, Thứ trưởng tiết lộ lý do khiến vé máy bay Việt Nam đắt hơn Thái Lan- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải lý giải nguyên nhân khiến giá máy tăng. Ảnh: Media Quốc hội

Một nguyên nhân khác, theo ông Huy, đến từ việc tăng giá nguyên liệu do chênh lệch tỷ giá. Hiện chi phí nguyên liệu chiếm 65-70% trong cơ cấu giá vé, trong khi từ đầu năm đến này, tỷ giá USD/VND tăng gần 5%.

Cuối cùng, việc người dân mua vé sát giờ cũng khiến giá vé cao hơn so với mức trung bình. Theo nghiên cứu của Cục Hàng không và Tổng cục Thống kê, giá vé máy bay nếu mua trước sớm 1-2 tháng sẽ giảm so với mức bình quân, còn mua càng sát ngày giá vé càng cao.

Đồng thời, ông cũng giải thích việc giá vé Việt Nam cao hơn Thái Lan do quốc gia này vừa qua có chính sách kích cầu du lịch, giảm gần như triệt để các phí hàng không.

Nghịch lý người dân đi từ TP HCM phải bay qua Bangkok rồi mới về Hà Nội cho rẻ, Thứ trưởng tiết lộ lý do khiến vé máy bay Việt Nam đắt hơn Thái Lan- Ảnh 3.

Bình quân giá vé của Vietnam Airlines cao hơn cùng kỳ 14-20% trên các đường bay. Ảnh: Vietnam Airlines

Để nâng cao tính cạnh tranh của vận tải Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải đưa ra giải pháp tăng cường khai thác vận chuyển đường sắt, bên cạnh việc tiếp tục rà soát tình trạng vé máy bay tăng cao.

Dẫn chứng điều này, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Hà Nội mở tuyến tàu SE19, SE20 phục vụ chặng Hà Nội - Đà Nẵng, TP HCM khai thác tàu SE 21, SE22 chất lượng cao chạy từ TP HCM đến Đà Nẵng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, để giải quyết trong tình trạng khan hiếm máy bay thân hẹp.

Với vận tải hành khách, cự ly dưới 1.000km, đường sắt vẫn là loại hình vận chuyển chi phí hợp lý nhất, còn hàng không phù hợp vận chuyển trên 1.000km. Hiện, Bộ Giao thông Vận tải đã khai thác các tuyến đường sắt đang có và đầu tư các tuyến đường sắt mới để về lâu dài tái cơ cấu thị phần vận tải hành khách bền vững và hợp lý.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại