Ông Putin đối đầu 5 Tổng thống Mỹ: Hai thập kỷ căng thẳng kiểu Chiến tranh Lạnh và bế tắc ngoại giao

Hữu Hiển |

Theo trang Newsweek, kể từ khi nhậm chức vào năm 1999, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trở thành nhân vật then chốt trong nền chính trị toàn cầu.

Nhà lãnh đạo Nga đã làm việc với nhiều đời Tổng thống Mỹ từ ông Bill Clinton đến ông Joe Biden, mỗi mối quan hệ được đặc trưng bởi một loạt thách thức và chính sách ngoại giao riêng.

Kéo dài hơn hai thập kỷ, nhiệm kỳ chính trị của ông Putin xen kẽ với chính quyền của 5 nhà lãnh đạo Mỹ, mỗi người đều đưa ra những chính sách và quan điểm riêng cho mối quan hệ thường xuyên căng thẳng giữa Mỹ và Nga.

Khi ông Putin nhậm chức cho nhiệm kỳ Tổng thống Nga lần thứ 5, Newsweek có bài viết điểm lại các mối quan hệ giữa Điện Kremlin và Nhà Trắng từng ảnh hưởng đến các vấn đề địa chính trị lớn từ an ninh mạng đến chiến tranh ở Ukraine và Trung Đông.

Bill Clinton: Cuộc gặp gỡ đầu tiên (1999-2000)

Ông Putin đối đầu 5 Tổng thống Mỹ: Hai thập kỷ căng thẳng kiểu Chiến tranh Lạnh và bế tắc ngoại giao- Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Bill Clinton gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 6/9/2000 tại New York, Mỹ. Ảnh: Getty

Thời điểm bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống Nga đầu tiên của ông Putin trùng với những tháng cuối cùng trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ của ông Bill Clinton. Bất chấp mối quan hệ nồng ấm với Tổng thống Boris Yeltsin - người tiền nhiệm của ông Putin, Tổng thống Clinton kể lại rằng ông thấy cá nhân ông Putin lạnh lùng nhưng có năng lực.

Tổng thống Clinton từng nói rằng ông đã cúp máy sau khi chúc mừng ông Putin trở thành quyền Tổng thống Nga vào năm 1999 và "nghĩ rằng ông ấy đủ cứng rắn để gắn kết nước Nga lại với nhau".

Khi NATO mở rộng về phía đông vào cuối những năm 1990 và xung đột nổ ra ở Kosovo, căng thẳng giữa hai siêu cường ngày càng gia tăng. Tổng thống Clinton đã chỉ trích chiến dịch của Nga ở Chechnya, khiến Tổng thống Putin phản ứng gay gắt.

Gần đây hơn, do cuộc xung đột Nga - Ukraine, ông Clinton đã bác bỏ quan điểm cho rằng chiến dịch quân sự đặc biệt mà Tổng thống Putin phát động là một phản ứng trước sự bành trướng của NATO, vốn bắt đầu từ nhiệm kỳ tổng thống của ông Clinton. Cựu Tổng thống Clinton nói với CNN vào năm 2022 rằng: "Tôi nghĩ chúng tôi đã làm đúng vào đúng thời điểm. Và nếu chúng tôi không làm điều đó, cuộc khủng hoảng này có thể đã xảy ra sớm hơn nữa."

George W. Bush: Từ nhìn thấu "tâm hồn" đến gia tăng căng thẳng (2001-2008)

Ông Putin đối đầu 5 Tổng thống Mỹ: Hai thập kỷ căng thẳng kiểu Chiến tranh Lạnh và bế tắc ngoại giao- Ảnh 2.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ George W. Bush phát biểu trong cuộc họp báo chung tại khu nghỉ dưỡng mùa hè Docharov Ruchei của Tổng thống Nga ở Sochi, Nga, vào ngày 6/4/2008. Ảnh: Getty

Theo Newsweek, ông George W. Bush nhậm chức Tổng thống Mỹ với mục tiêu ổn định quan hệ với Nga. Những cuộc gặp gỡ đầu tiên của ông với nhà lãnh đạo Nga rất nồng ấm, được minh họa bằng tuyên bố nổi tiếng của Tổng thống Bush trong cuộc họp báo vào ngày 16/6/2001 tại Slovenia là đã nhìn vào mắt ông Putin và nhìn thấu "tâm hồn" của ông.

Tuy nhiên, mối quan hệ sau đó trở nên xấu đi do những bất đồng về Chiến tranh Iraq, kế hoạch phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Đông Âu và các chính sách nội bộ của Nga, mà Tổng thống Bush coi là ngày càng độc đoán.

Bên cạnh những khoảnh khắc cá nhân nồng ấm, ông Putin cũng có những lời chỉ trích riêng đối với nhiệm kỳ tổng thống của ông Bush. Khi cuộc chiến tranh Iraq trở thành một vũng lầy đối với Mỹ, ông Putin cho biết ông sẽ không bị Tổng thống Mỹ thuyết giảng về dân chủ. Tổng thống Putin từng nói với các phóng viên trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Bush rằng: "Chúng tôi không muốn có một nền dân chủ như ở Iraq".

Khi cuộc chiến Nga – Gruzia diễn ra vào những ngày cuối của nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Bush vào năm 2008, ông đã đối đầu trực tiếp với Tổng thống Putin tại Thế vận hội Bắc Kinh, ông Bush viết trong hồi ký của mình. Ông Bush cho biết, ông đã cảnh báo ông Putin rằng Tổng thống Gruzia là người máu nóng.

Ông Putin trả lời: "Tôi cũng máu nóng".

"Không, Vladimir... Ông là người máu lạnh", ông Bush đáp lại.

Barack Obama: Sự lạnh nhạt ngày càng lớn (2009-2016)

Ông Putin đối đầu 5 Tổng thống Mỹ: Hai thập kỷ căng thẳng kiểu Chiến tranh Lạnh và bế tắc ngoại giao- Ảnh 4.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt tay trước ống kính trước khi bắt đầu cuộc gặp song phương tại trụ sở Liên Hợp Quốc vào ngày 28/9/2015 tại New York, Mỹ. Ảnh: Getty

Theo Newsweek, ông Barack Obama - người cũng nhậm chức với kế hoạch "tái thiết lập" quan hệ với Nga - nhận thấy mình ngày càng bất hòa với Tổng thống Putin gần như ngay từ ngày đầu tiên làm Tổng thống Mỹ.

Mối quan hệ công việc của ông Obama với ông Putin hầu hết được đánh dấu bằng các biện pháp trừng phạt và bế tắc ngoại giao. Những bất đồng về Syria, Ukraine và những cáo buộc can thiệp bầu cử đã khiến quan hệ song phương đi xuống mức thấp mới.

Mối quan hệ ngoại giao giữa Điện Kremlin và Nhà Trắng hầu như đã sụp đổ sau khi Nga bất ngờ sáp nhập Crimea vào ngày 18/3/2014, diễn ra 8 năm trước chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine và dẫn đến sự tái diễn của căng thẳng kiểu Chiến tranh Lạnh vẫn âm ỉ cho đến ngày nay.

Tổng thống Obama từng mô tả ông Putin là một nhân vật "cứng rắn", đồng thời nói rằng Tổng thống Putin khiến ông nhớ đến những ông trùm chính trị mà bản thân từng gặp trong thời kỳ đầu sự nghiệp ở Chicago.

Về phần mình, Tổng thống Putin chưa bao giờ che giấu sự thiếu thiện cảm của mình đối với Tổng thống Obama. Ông Putin từng nói: "Tổng thống Obama chưa bao giờ được người dân Mỹ bình chọn là có thiện cảm với Nga..."

Donald Trump: Tình bạn gây tranh cãi (2017-2020)

Ông Putin đối đầu 5 Tổng thống Mỹ: Hai thập kỷ căng thẳng kiểu Chiến tranh Lạnh và bế tắc ngoại giao- Ảnh 5.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị APEC ở Đà Nẵng vào ngày 11/11/2017. Ảnh: Getty

Theo Newsweek, nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump được đánh dấu bằng tranh cãi ngay từ đầu về cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Nhưng hai ông Trump và Putin dường như có mối quan hệ cá nhân nồng ấm hơn một chút.

Mối quan hệ được đánh dấu bởi sự ngưỡng mộ của công chúng. Tổng thống Putin - người từng gọi ông Trump là "cá nhân đầy màu sắc" - bày tỏ sẵn sàng làm việc với ông Trump ngay từ đầu.

Sự tương tác của họ được đánh dấu bằng một loạt cuộc gặp cấp cao, bao gồm cả một hội nghị thượng đỉnh đáng chú ý ở Helsinki (Phần Lan) vào tháng 7/2018 - nơi Tổng thống Trump dường như đứng về phía Tổng thống Putin trước những cáo buộc liên quan đến can thiệp bầu cử Mỹ. Cuộc gặp đó đã gây náo động ở Mỹ, khi những người chỉ trích cáo buộc Tổng thống Trump làm suy yếu lợi ích của Mỹ.

Về phần mình, Tổng thống Putin dường như đánh giá cao việc Tổng thống Trump sẵn sàng bỏ qua các chuẩn mực ngoại giao thông thường, nhưng ông Putin vẫn thận trọng, nhận thức được sự bất ổn chính trị mà nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump mang lại.

Joe Biden: Trở lại Chiến tranh Lạnh (2021-nay)

Ông Putin đối đầu 5 Tổng thống Mỹ: Hai thập kỷ căng thẳng kiểu Chiến tranh Lạnh và bế tắc ngoại giao- Ảnh 6.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nga vào ngày 16/6/2021 tại Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: Getty

Khi ông Joe Biden nhậm chức, quan hệ Mỹ - Nga quay trở lại chiều hướng đối đầu hơn - kế thừa từ chính quyền cựu Tổng thống Obama - với việc ông Biden công khai chỉ trích ông Putin và có lập trường cứng rắn về các vấn đề như nhân quyền và chủ quyền của Ukraine.

Chính quyền Tổng thống Biden cùng với các đồng minh phương Tây cũng đã áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga và cá nhân ông Putin kể từ khi chiến sự tại Ukraine bùng nổ.

Cuộc gặp cuối cùng giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra vào năm 2021 - trước cuộc xung đột Ukraine - tại hội nghị thượng đỉnh ở Geneva, Thụy Sĩ. Cả hai nhà lãnh đạo đều đồng ý vào thời điểm đó rằng mối quan hệ hai nước đang ở "mức thấp".

Và mối quan hệ này chỉ đi xuống từ đó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại